Tương lai ngành băng đĩa nhạc đặt trên vai ĐTDĐ?


Dân trí) - Ngành công nghiệp băng đĩa nhạc toàn cầu đã tuột dốc suốt 7 năm qua. Lượng đĩa bán ra ngày càng giảm khiến cả hãng thu âm lẫn bán lẻ lo ngại về một tương lai không lành.


Cuộc cách mạng Internet bùng nổ khiến cả ngành băng đĩa nhạc bất ngờ, và lâm vào thế rượt đuổi từ đó đến nay - như lời phát biểu của một phóng viên tạp chí âm nhạc, Adam Benzine: “Tôi nghĩ ngành băng đĩa nên chấp nhận phần của mình, và thừa nhận sự chậm chạp trước làn sóng âm nhạc điện tử”.

“Ngay từ năm 1998, khi Napster xuất hiện, họ đã cảm thấy sự hoang mang lộn xộn sắp tới. Và giờ đây họ không biết nên đối đầu với vấn nạn này ra sao. Họ muốn cấm mọi người tải nhạc lên Internet, thay vì chấp nhận và tìm cách thu lợi nhuận từ việc đó”.

Tiềm năng mobile phone

Ngành băng đĩa nhạc cuối cùng đã tìm ra cách phản đòn, và điện thoại di động đang dẫn đầu "trận tuyến". Lượng đĩa bán ra đang giảm mạnh, trong khi doanh thu nhạc số lại tăng dần. Dù vậy, mức tăng trưởng của kinh doanh số chỉ bằng 1/10 tổng doanh thu toàn ngành, và không đủ bù đắp sụt giảm lợi nhuận của lượng đĩa CD.



Nhật Bản là quốc gia duy nhất không trượt theo xu thế này. Trên thực tế, doanh số âm nhạc tại quốc gia này tăng 1% vào năm ngoái - theo các nhà quan sát chủ yếu nhờ vào dịch vụ download nhạc trên mobile. Dịch vụ qua ĐTDĐ cho phép người dùng duyệt ca-ta-lô, mua và download về điện thoại ngay trong khi di chuyển, mà không cần phải đụng đến máy vi tính. Benzin cho biết: “Hầu như tất cả người trên 12 tuổi ở quốc gia này sở hữu một ĐTDĐ. Không phải ai cũng có máy nghe nhạc, nhưng tất cả đều có mobile, đồng nghĩa với lượng thính giả khổng lồ”.



Kho nhạc di động


Khá nhiều dịch vụ cung cấp nhạc di động xuất hiện trong năm nay trên toàn thế giới. Ví dụ điển hình là Anh quốc, với ba dịch vụ lớn. Trước hết là iPhone của Apple, tận dụng kho nhạc cho iPod có tên iTunes Store. Dịch vụ thứ hai thuộc về hãng sản xuất mobile phone lớn nhất thế giới Nokia - Ovi. Tuy nhiên dịch vụ của Apple chỉ hoạt động với iPod, iPhone và dịch vụ của Nokia chỉ dùng được với máy của chính hãng.



Omnifone, hãng chuyên âm nhạc di động cũng vừa phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ tại Anh, Thuỵ Điển và Hồng Kông nhằm cung cấp dịch vụ đóng phí. Dịch vụ mang tên Music Station này cho phép download không giới hạn với giá chỉ 1 USD/tháng, nhưng mọi bài hát sẽ biến mất nếu người dùng không đóng phí tiếp. Khác với hai hãng trên, Music Station dùng được với nhiều mẫu mobile phone khác nhau, và sử dụng công nghệ 3G cho phép download từ mọi nơi, thay vì dùng wi-fi như iPhone.



Có vẻ bị “lung lay” trước Music Station, Nokia cũng đang lên kế hoạch cung cấp dịch vụ đóng phí cho phép khách hàng giữ nhạc ngay cả khi ngừng nạp tiền, có tên “Come with Music”.



Vấn đề tương thích

Theo giám đốc điều hành của Omnifone, Rob Lewis: “Khá nhiều phe phái đang dòm ngó thị trường âm nhạc di động lúc này. Nhưng phần lớn, ví dụ như iPhone, chỉ cho phép download và chia sẻ nhạc trên các phương tiện cùng một hãng sản xuất”



Không chỉ có vậy, khách hàng còn bị giới hạn bởi bản quyền nhạc số (DRM). Bản quyền nhạc số là phần mềm chống ăn cắp nhạc sau khi đã download về máy, và thường giới hạn hoặc gây khó khăn cho việc chuyển bài hát từ mobile sang các phương tiện khác.



Adam Benzine cho rằng: “Cản ngại lớn nhất các hãng âm nhạc đang đối mặt lúc này là việc khách hàng mua nhạc khá khó khăn. Đó là "công tác" dài dòng và rắc rối với ngay cả những người có kĩ thuật, và là nhân tố chính khiến thị trường âm nhạc chưa sẵn lòng đón nhận nhạc di động vào lúc này”.



Tiềm năng thu lợi nhuận đáng kể từ âm nhạc di động không hề nhỏ, nhưng những cản ngại như DRM và thiếu thống nhất giữa dịch vụ thu phí với "mua đứt" bài hát sẽ còn khiến các hãng cung cấp dịch vụ loay hoay trong thời gian sắp tới.


->Xem chi tiết...
Google